CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUẨN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT HẠT NHÂN
PHẦN I: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
Tên ngành đào tạo:
- Tiếng Việt: Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân
- Tiếng Anh: Nuclear Technology and Engineering
Mã số ngành đào tạo: 7510407
Danh hiệu tốt nghiệp: Cử nhân
Thời gian đào tạo: 4 năm
Tên văn bằng tốt nghiệp:
- Tiếng Việt: Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân
- Tiếng Anh: Bachelor of Science in Technology and Engineering
Đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngôn ngữ giảng dạy: Tiếng Việt.
2. Mục tiêu đào tạo
2.1. Mục tiêu chung:
- Đào tạo những cử nhân với kiến thức, kĩ năng và phẩm chất đạo đức cần thiết để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo, có khả năng nghiên cứu phát triển và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực Hạt nhân.
- Đào tạo những cử nhân có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, có “văn hóa” an toàn bức xạ và an toàn lao động làm việc trong các cơ sở, xí nghiệp, nhà máy bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế liên quan tới ứng dụng Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có đầy đủ các kỹ năng cần thiết để thích ứng cao với các đòi hỏi của thị trường lao động và xu thế hội nhập quốc tế của xã hội toàn cầu.
- Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm các công việc trong lĩnh vực Hạt nhân và các lĩnh vực khác của nền kinh tế tri thức như nghiên cứu, giảng dạy hoặc làm trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế, an toàn bức xạ, trong lò phản ứng, máy gia tốc, trong đánh giá và phân tích môi trường, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân..
- Có trình độ tiếng Anh tốt với khả năng nghe, nói, đọc, viết đạt chuẩn 3/6 theo năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).
- Sau khi tốt nghiệp, Sinh viên có thể tiếp tục học Sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
3. Thông tin tuyển sinh
- Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia.
4. Chiến lược dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá
- Chiến lược dạy học: Học tập chủ động, học đi đôi với hành.
- Phương pháp kiểm tra đánh giá: Lý thuyết trên lớp, thực hành nhóm, làm bài tập lớn, thảo luận, học tập thông qua dự án, viết bài luận, báo cáo thí nghiệm,v.v.
- Các phương pháp đánh giá được thiết kế đa dạng sử dụng các tiêu chí rõ ràng để đánh giá chính xác nhất mức độ đạt được CĐR của SV về cả kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức được ghi trong CĐR của từng môn học. CĐR của các môn học này sẽ đóng góp vào CĐR chung của chương trình đào tạo.
PHẦN II: CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Về kiến thức
1.1. Kiến thức chung
- Vận dụng được các kiến thức về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh vào nghề nghiệp và cuộc sống.
- Vận dụng được kiến thức về ngoại ngữ trong giao tiếp và công việc chuyên môn, đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu đạt tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
- Đánh giá, phân tích được các vấn đề an ninh, quốc phòng và có ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của Đất nước.
1.2. Kiến thức theo lĩnh vực
- Áp dụng được kiến thức công nghệ thông tin trong nghiên cứu khoa học.
- Có khả năng phân tích và áp dụng một phần các kiến thức cơ bản của công nghiệp 4.0 (Phân tích dữ liệu, Internet kết nối vạn vận, Robotic) vào công việc và cuộc sống.
1.3. Kiến thức theo khối ngành
- Hiểu và vận dụng được các kiến thức cơ bản của hình học giải tích và đại số tuyến tính, vi phân và tích phân, các định lý của xác suất và thống kê trong phân tích xử lý số liệu thực nghiệm, Ngoài ra sinh viên hiểu các kiến thức cơ bản về hoá học và ứng dụng của tin học trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
1.4. Kiến thức theo nhóm ngành
- Hiểu được các kiến thức cơ bản, cốt lõi của ngành công nghệ kỹ thuật hật nhân.
- Hiểu được bản chất của các hiện tượng Vật lý trong tự nhiên và trong đời sống; Ứng dụng được các kiến thức cơ bản của Vật lý vào cuộc sống trong một số lĩnh vực có liên quan đến công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
1.5. Kiến thức ngành
- Vận dụng được các kiến thức cơ bản của cơ học chất điểm, cơ học vật rắn và cơ học chất lỏng, nhiệt học và kỹ thuật nhiệt, các nguồn nhiệt trong lò phản ứng hạt nhân và thiết bị tỏa nhiệt, điện trường và từ trường, chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và từ trường, quang học sóng trong lĩnh vực hạt nhân.
- Vận dụng được các kiến thức cơ bản về vật lý lượng tử, vật lý bức xạ và phóng xạ, nguồn gốc của các bức xạ ion hóa, phóng xạ tự nhiên và nhân tạo, các hiện tượng tương tác của bức xạ ion hóa với vật chất trong lĩnh vực hạt nhân.
- Có các khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá cần thiết để hình thành các ý tưởng, tổ chức thực hiện và đánh giá các dự án trong lĩnh vực hạt nhân.
- Có khả năng lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và các lĩnh vực khác có liên quan.
2. Về kĩ năng
2.1. Kĩ năng cứng
2.1.1. Các kĩ năng nghề nghiệp
- SV có kỹ năng tổ chức và sắp xếp công việc, có khả năng phát hiện và hình thành các ý tưởng, xây dựng các vấn đề nghiên cứu và ứng dụng của lĩnh vực Vật lý. Đánh giá, phân tích và tổng hợp các vấn đề thuộc lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng Vật lý. Đưa ra được các giải pháp kiến nghị để giải quyết vấn đề.
2.1.2. Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề
- SV có khả năng phát hiện và tổng quá hóa vấn đề, phân tích và đánh giá vấn đề, lập luận và xử lý thông tin, phân tích định lượng và giải quyết các vấn đề về chuyên môn về Vật lý; SV cũng có thể đạt được khả năng đề xuất giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề chuyên môn Vật lý.
2.1.3. Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức
- SV có khả năng phát hiện vấn đề, kỹ năng tìm kiếm tài liệu và thu thập thông tin, được trang bị và rèn luyện kỹ năng triển khai thí nghiệm. SV đồng thời có khả năng tham gia vào các khảo sát thực tế.
2.1.4. Khả năng tư duy theo hệ thống
- SV có khả năng tư duy chỉnh thể, logic, phân tích đa chiều.
2.1.5. Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn
- SV có khả năng vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tiễn; có thể sử dụng các định nghĩa, khái niệm cơ bản để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
2.1.6. Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp
- SV có kỹ năng xây dựng mục tiêu cá nhân, động lực làm việc, phát triển năng lực làm việc, xây dựng sự nghiệp của bản thân.
2.2. Kĩ năng mềm
2.2.1. Các kĩ năng cá nhân
- SV sẵn sàng đi đầu và đương đầu với rủi ro; kiên trì, linh hoạt, tự tin, chăm chỉ, nhiệt tình và say mê công việc; có tư duy sáng tạo và tư duy phản biện; biết cách quản lý thời gian và nguồn lực; có các kỹ năng cá nhân cần thiết như thích ứng với sự phức tạp của thực tế, kỹ năng học và tự học, kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng sử dụng thành thạo công cụ máy tính phục vụ chuyên môn và giao tiếp văn bản, hòa nhập cộng đồng và luôn có tinh thần tự hào, tự tôn.
2.2.2. Làm việc theo nhóm
- SV có khả năng làm việc theo nhóm và thích ứng với sự thay đổi của các nhóm làm việc.
2.2.3. Quản lí và lãnh đạo
- SV có khả năng hình thành nhóm làm việc hiệu quả, thúc đẩy hoạt động nhóm và phát triển nhóm; có khả năng tham gia lãnh đạo nhóm.
2.2.4. Kĩ năng giao tiếp
- SV có các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp bằng văn bản, qua thư điện tử/phương tiện truyền thông, có chiến lược giao tiếp, có kỹ năng thuyết trình về lĩnh vực chuyên môn.
2.2.5. Kĩ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ
- SV có khả năng sử dụng tiếng Anh với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trình độ tối thiểu 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, giao tiếp chuyên môn trong nước và quốc tế.
2.2.6. Các kĩ năng bổ trợ khác
- SV có kỹ năng học tập suốt đời, tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp, luôn cập nhật kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
3. Về phẩm chất đạo đức
3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
- SV có phẩm chất đạo đức tốt, lễ độ, khiêm tốn, nhiệt tình, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu ngành, yêu nghề.
3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
- SV có thái độ cầu tiến, học tập suốt đời, trung thực, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm trong công việc, đáng tin cậy trong công việc, nhiệt tình và say mê công việc.
3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội
- SV có trách nhiệm công dân và chấp hành pháp luật cao, có ý thức bảo vệ Tổ quốc, đề xuất sáng kiến, giải pháp và vận động chính quyền, nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
4. Những vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
- SV có đủ năng lực để làm việc tại: Các bệnh viện có khoa y học hạt nhân và xạ trị; Các công ty, đơn vị sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp như: Công ty Samsung, các nhà máy đường, nhà máy xi măng…
- SV có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ của các Tỉnh, Thành phố và các cơ sở y tế có sử dụng các nguồn bức xạ khác nhau.
- SV có thể làm việc tại các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ liên quan đến hạt nhân và các lĩnh vực liên quan.
- SV có thể tiếp tục theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
PHẦN III: NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Xem chi tiết trong file đính kèm.