GS.TS PHAN MẠNH HƯỞNG – CỰU SINH VIÊN KHOA VẬT LÝ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN CHIA SẺ : “RÈN LUYỆN THÀNH NHÀ KHOA HỌC UY TÍN ĐỂ TRỞ VỀ ĐÓNG GÓP CHO QUÊ HƯƠNG”

GS.TS PHAN MẠNH HƯỞNG – CỰU SINH VIÊN KHOA VẬT LÝ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN CHIA SẺ : “RÈN LUYỆN THÀNH NHÀ KHOA HỌC UY TÍN ĐỂ TRỞ VỀ ĐÓNG GÓP CHO QUÊ HƯƠNG”

“Khoa học không thuộc về phạm vi lãnh thổ nào, khoa học là toàn cầu. Khi mình trở thành một nhà khoa học xuất sắc, có uy tín thì việc đóng góp cho quê hương, giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam mang nhiều ý nghĩa hơn khi trở về”.

Đó là chia sẻ của GS.TS Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023 khi ông về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng nguyên là sinh viên Khóa 41, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, GS.TS Phan Mạnh Hưởng làm việc tại Trung tâm Khoa học Vật liệu – Khoa Vật lý và hoàn thành bậc cao học của Trường ĐH Chungbuk (Hàn Quốc). Sau đó, ông nhận học bổng của Chính phủ Anh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2006 tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh).

Sau một thời gian làm việc tại ĐH Bristol, GS.TS Phan Mạnh Hưởng đã chuyển đến Đại học Nam Florida và làm việc từ năm 2008 đến nay.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng hiện là Trưởng ban biên tập cho 3 tạp chí quốc tế uy tín (Journal of Science: Advanced Materials and Devices, Applied Sciences, Scientific Reports) và là thành viên hội đồng biên tập, thành viên phản biện cho nhiều tạp chí khoa học quốc tế.

Với hơn 300 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, các công trình nghiên cứu này đã được trích dẫn trên 14.000 lần, với chỉ số h-index là 57 – là một trong những nhà khoa học có chỉ số trích dẫn khoa học hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực Từ học.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng được cộng đồng khoa học đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu vật liệu nano từ siêu mỏng, vật liệu từ nhiệt (dạng gốm và dạng dây) cho ứng dụng lạnh từ, vật liệu từ mềm (dạng băng và dạng dây) cho các ứng dụng cảm biến từ trở khổng lồ và cảm biến sinh học, vật liệu nano từ cho các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh (điều trị ung thư).

Bài viết liên quan