Thủ khoa đầu ra ngành Vật lý Trịnh Hải Sơn: Đam mê là chìa khóa của thành công

ThChàng sinh viên “phải lòng” vẻ đẹp của Vật lý

Đang học năm thứ 4 ngành Công nghệ thông tin, Trịnh Hải Sơn quyết định dừng học, chuyển sang theo đuổi ngành Vật lý để sống với chính đam mê của mình. Được học tập trong Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN “cái nôi của khoa học cơ bản” với nhiều chính sách hỗ trợ học tập, chàng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng xuất sắc. Chưa một lần ân hận với quyết định của mình bởi phía trước tân cử nhân là tương lai hứa hẹn đạt được mục tiêu sống đích thực của mình.

Được biết, việc lựa chọn học ngành Vật lý là sự thay đổi lớn của cuộc đời và ngay từ khoảng thời gian Sơn mới bước chân vào trung học phổ thông, khi được tiếp cận với những bài học đầu tiên trong chương trình vật lý lớp 10 về cơ học Newton, Sơn đã rất ấn tượng với sức mạnh mô tả thế giới tự nhiên của Vật lý. Chỉ cần 3 định luật phát biểu tương đối đơn giản và ngắn gọn thôi mà đã có khả năng tiên đoán rất chính xác toàn bộ sự vận động của các sự vật mà chúng ta vẫn quan sát hàng ngày như những viên đá, con lắc, ròng rọc, bánh răng, viên đạn, chiếc xe ô tô, chiếc đu quay, tàu lượn, máy bay,… Ngay đến chuyển động của những vật thể vĩ mô ngoài không gian như mặt trăng và các hành tinh trong hệ mặt trời cũng tuân theo nghiêm ngặt các phương trình của Newton (ngoại trừ quỹ đạo của Mercury phải áp dụng thuyết tương đối tổng quát mới giải thích được). Càng suy nghĩ nhiều về các định luật cơ học, Sơn càng thấy mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống trở lên rõ ràng, hợp lý. Tính đơn giản nhưng đầy sức mạnh của hệ thống lý thuyết đó đã nhen nhóm niềm say mê về vẻ đẹp của vật lý và tiếp tục lớn dần trong con người cậu học sinh “phải lòng” với khoa học.

Tuy nhiên, đến khi chọn trường đại học lần đầu tiên, Trịnh Hải Sơn đã “nhượng bộ” trước tâm lý đám đông và xu thế nhất thời để chọn lĩnh vực công nghệ thông tin thay vì vật lý. Đến khi bắt đầu học các môn chuyên ngành, Sơn mới nhận ra lĩnh vực công nghệ thông tin không thực sự làm em thích thú như khi em còn học vật lý. Đối với em, thế giới nhị phân trong máy tính tương đối tẻ nhạt khi so sánh với thế giới tự nhiên muôn hình vạn trạng. Đó là lý do chính em quyết định làm lại và theo đuổi lĩnh vực vật lý mà em thực sự yêu thích.

Năm 2019, Sơn ôn tập để thi lại vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. TS. Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng khoa Vật lý gặp Sơn và rất bất ngờ khi biết cậu định dừng theo ngành Công nghệ thông tin.

“Tôi nghi ngờ không biết liệu Sơn có thực sự đam mê Vật lý không và đã khuyên bạn ấy hãy suy nghĩ kỹ”, thầy Hiếu nói.

Đến khi thấy Sơn hỏi khách mời hôm đó là GS. Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Mỹ), về những kiến thức Vật lý chuyên sâu như vật chất tối, thầy Hiếu mới tin vào quyết tâm của Sơn. Theo thầy Hiếu, sinh viên không học ngành Vật lý khó có hiểu biết sâu đến vậy.

Sau đó, Sơn trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN được xếp vào chương trình đào tạo cử nhân tài năng ngành Vật lý nhờ có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5.

Trước khi lựa chọn ngành học này, nhiều người bạn đã khuyên Sơn rằng, Vật lý là ngành học khoa học cơ bản tương đối “khó nhằn” phải thực sự đam mê mới theo đuổi và học tốt được. Vào trường, Sơn ví mình như cá gặp nước, không gặp bất cứ khó khăn gì. Trịnh Hải Sơn như được củng cố thêm niềm tin về quyết định theo học ngành Vật lý tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, một môi trường chuyên nghiệp, nuôi dưỡng tài năng và đầy tính sáng tạo. Chàng sinh viên đã có những xúc cảm đặc biệt, như chất keo gắn kết chặt chẽ với khoa học trước sự tận tâm truyền lửa đam mê để khai phá những địa hạt mới trong chân trời khoa học của các thầy cô. Thầy cô giảng những điều căn bản còn sinh viên phải đọc thêm tài liệu, tìm tòi, rồi đưa ra thắc mắc nhờ thầy cô giải đáp. Làm vậy mới có thể hiểu sâu rộng vấn đề.

Nhiều chính sách hỗ trợ học tập

Đối với Sơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giống như một mái nhà thứ hai. Nơi đây, sinh viên không chỉ được học kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm của cuộc sống mà khi theo học ngành khoa học cơ bản, nhà trường luôn có nhiều chính sách học bổng hấp dẫn. Với Sơn, học bổng khuyến khích học tập của nhà trường dành cho các sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện giỏi hoặc xuất sắc trong mỗi học kỳ đã trở thành nguồn động viên vô cùng giá trị để tiếp tục thỏa sức với đam mê trở thành nhà khoa học.

“Em là sinh viên may mắn khi tất cả các học kỳ đều được nhận học bổng và do đó Sơn gần như không phải lo về học phí nữa. Những chính sách học bổng từ nhà trường ngoài ngân sách cũng là điểm tựa vững chắc để sinh viên như chúng em tự tin học tập và trang trải cuộc sống”, Trịnh Hải Sơn chia sẻ.

Được biết, riêng ngành Vật lý có nhiều chính sách học bổng như: học bổng BIDV vào học kỳ cuối của năm 2; giải thưởng – học bổng Nguyễn Hoàng Phương được nhận vào học kỳ 1 năm 4 – học bổng này mang tên Thầy Chủ nhiệm Khoa Vật lý đầu tiên và được thành lập bởi các cựu sinh viên Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, trao thưởng cho các sinh viên năm cuối của Khoa Vật lý có thành tích học tập hoặc nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Với Trịnh Hải Sơn, Học bổng Nguyễn Hoàng Phương có lẽ là giải thưởng mang nhiều ý nghĩa nhất. Bởi cố Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, nhà vật lý lý thuyết Nguyễn Hoàng Phương là một tấm gương sáng ngời về sự say mê, nhiệt huyết với nghề, sự nỗ lực cả cuộc đời không ngừng nghỉ để đi tìm vẻ đẹp của vũ trụ. Con đường mà Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đã chọn cũng chính là con đường mà cậu sinh viên Trịnh Hải Sơn vẫn luôn nỗ lực để có thể đi tiếp.

“Em vô cùng trân trọng những chính sách hỗ trợ của ĐHQGHN cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Dự định lâu dài sau khi học xong tiến sĩ của em là gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN”, Trịnh Hải Sơn chia sẻ.

Ngành khoa học cơ bản với nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn

Nhiều người cho rằng, dấn thân vào theo học các ngành khoa học cơ bản sẽ gặp khó khăn khi tìm việc sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Hiện nay, các chuyên gia đánh giá sinh viên tốt nghiệp khối ngành khoa học cơ bản sẽ được các nhà tuyển dụng, thị trường lao động cần, thậm chí nhiều doanh nghiệp từ ngay sinh viên năm cuối bởi sinh viên học ngành này có những lợi thế và ưu việt riêng.

Thực tiễn cho thấy, không một quốc gia nào muốn phát triển nền kinh tế bền vững, tiên phong mà không quan tâm đến các lĩnh vực khoa học cơ bản. Chỉ có cách xây dựng một nền khoa học cơ bản mạnh mới có thể tạo ra những công nghệ lõi, chi phối sự vận động của thị trường kinh tế thế giới.

Rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao đang rất cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học cơ bản, kĩ năng công nghệ nền tốt để có thể vận hành và cải tiến các công nghệ lõi đó.

“Những người từng được học tập dưới môi trường khoa học cơ bản, nơi việc thấu hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng là yếu tố then chốt chứ không phải chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp nhưng những kỹ sư”, Trịnh Hải Sơn chia sẻ.

Chia sẻ về định hướng tương lai sau tốt nghiệp, Sơn cho biết, mục tiêu của Sơn không chỉ đơn thuần là khám phá thế giới vật lý đầy thú vị mà còn phải sử dụng những kiến thức học hỏi được để đóng góp một cách thiết thực cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

Muốn làm được điều đó, tân cử nhân Trịnh Hải Sơn cho rằng cần phải tiếp tục trau dồi kiến thức và các kỹ năng quan trọng trong nghiên cứu khoa học ở các bậc học cao hơn để đi đến đích trên con đường nghiên cứu khoa học.

“Em rất hy vọng những kiến thức về vật lý lý thuyết trong cơ học lượng tử cho hệ nhiều hạt, vật lý thống kê, lý thuyết trường lượng tử, … mà em đã tích lũy được trong 4 năm học đại học có thể cho em một khởi đầu tốt trong nghiên cứu các lĩnh vực vật lý ứng dụng như khoa học vật liệu”, Trịnh Hải Sơn cho biết.

Sau khi bảo vệ tốt nghiệp, tân thủ khoa đầu ra Trịnh Hải Sơn mong muốn làm trợ giảng cho khoa trong thời gian và tiếp tục chặng đường học bậc cao hơn. Khoa Vật lý cho hay Sơn sẽ bắt đầu công việc từ học kỳ tới, tiến tới ký hợp đồng để tạo nguồn giảng viên cho nhà trường.

Bài viết liên quan