HỌC SINH VIỆT NAM GIÀNH HUY CHƯƠNG BẠC TRIỂN LÃM SÁNG CHẾ CÔNG NGHỆ QUỐC TẾ TẠI MALAYSIA

posted in: Hoạt động sinh viên | 0

Tại triển lãm quốc tế này, nhóm học sinh của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam và xuất sắc giành Huy chương Bạc cho những thành quả nghiên cứu ban đầu của mình.

Triển lãm sáng chế công nghệ quốc tế được tổ chức bởi Tổ chức xúc tiến trao đổi thương mại chuyên nghiệp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ, biến đổi môi trường, tại Trung tâm xúc tiến thương mại quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia với hơn 600 sáng chế và hơn 20 nước tham gia, từ ngày 19/2 đến hết 22/2/2020.

Nhóm học sinh đoàn Việt Nam đều đang học lớp 11, chuyên Vật lý. Các em đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng một môi trường ổn định, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng thủy sản, giảm thiểu các thiệt hại do biến đổi môi trường gây ra. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các ngành nghề sản xuất, nuôi trồng thủy sản, bởi những đặc thù như nhiệt độ thay đổi, hạn hán, mưa axit,….

Để đạt được những mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi như nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan trong nước, giá trị pH,…, đây là các đại lượng vật lý mặc dù cách thức đo đạc đơn giản, nhưng trên một diện tích rộng lớn lại ngoài môi trường thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn. Và trong những tình huống khẩn cấp hơn, máy bay không người lái trang bị camera được sử dụng để giúp người dùng nắm được tình hình thực tế của khu vực nuôi trồng.

Với mong muốn nhận được thêm những đóng góp, phản biện từ các chuyên gia, bạn bè trong và ngoài nước để sớm hoàn thiện và áp dụng vào cuộc sống, nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm nguyên mẫu với các chức năng đầy đủ như một hệ thống hoàn chỉnh và mạnh dạn tham gia tại cuộc thi sáng chế quốc tế về ý tưởng sáng tạo này.

Trao đổi với BGK, trưởng nhóm Ngô Quang Tùng cho biết, khó khăn cũng như cải tiến đáng kể trong dự án là việc kéo dài tuổi thọ làm việc của các cảm biến, khi đo đạc các đại lượng trong môi trường nước trên diện rộng. Các đại lượng này biến đổi tương đối chậm, nhưng vẫn phải có các biện pháp kịp thời để can thiệp chống sốc cho vật nuôi.

“Với thành công bước đầu khi được các bạn bè quốc tế quan tâm và góp ý, chúng em sẽ sớm khắc phục và hoàn thiện sản phẩm. Nhóm nhìn thấy tiềm năng có thể khai thác sản phẩm này, đặc biệt khi mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước Việt Nam. Dù thiên nhiên ưu đãi về lượng thủy, hải sản phong phú, nhưng tỉ lệ nuôi trồng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng”, các thành viên nhóm nghiên cứu – Vũ Trọng Nguyên Khôi và Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.

Thông qua hoạt động nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn, Bùi Quý Minh và Đỗ Minh Đức cho biết thêm, “Các bài học về lập trình không còn gói gọn trong các bài toán kinh điển nữa, có rất nhiều điều kiện cần phải xem xét thêm, chúng em thấy thực sự kích thích về điều đó”.

❤️Dự án được thực hỗ trợ thực hiện bởi các cán bộ trẻ thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN❤️

Bài viết liên quan