Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN

posted in: Dòng sự kiện | 0

Từ ngày 2 đến 6/11/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) thực hiện kiểm định trực tuyến 04 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có hai chương trình đào tạo tham gia kiểm định trong đợt này.

Đây là lần đánh giá chất lượng thứ 187 của AUN-QA đối với các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Hai chương trình đào tạo mà Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tham gia kiểm định trong năm 2020 là: Chương trình cử nhân Khoa học Vật liệu và Cử nhân Quản lý Đất đai. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Đoàn đánh giá của AUN-QA không sang trực tiếp mà thực hiện đánh giá theo hình thức trực tuyến. Trước đó, Trường đã có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở hạ tầng như hệ thống đường truyền, các thiết bị quay và live streaming cũng như đánh giá thử nghiệm bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: “ĐHQGHN luôn nỗ lực đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ đất nước tốt hơn. Công tác kiểm định và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế luôn có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo. Việc đánh giá khách quan từ các chuyên gia AUN-QA sẽ giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của các chương trình đào tạo, từ đó giúp đề ra các biện pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng. ĐHQGHN sẽ không ngừng phấn đấu để đạt chất lượng cao trong dạy và học ở tất cả các chương trình đào tạo”.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN (hàng trên, ngoài cùng bên trái) tại Lễ khai mạc lần đánh giá chất lượng thứ 187 của AUN-QA đối với các chương trình đào tạo của ĐHQGHN.

Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học Vật liệu (Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về Vật lý, Toán học, Tin học, Hoá học, Khoa học và Công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn). Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về Khoa học Công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như: hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser…, những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21. Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham gia Lễ khai mạc kiểm định chất lượng AUN trực tuyến

Trong suốt thời gian diễn ra chương trình đánh giá kiểm định, các chuyên gia của AUN-QA sẽ phỏng vấn cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên đã tham gia các chương trình đào tạo nói trên, đồng thời phỏng vấn các nhà tuyển dụng. Đoàn đánh giá cũng sẽ rà soát các tài liệu liên quan, yêu cầu live streaming cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Công tác kiểm định sẽ kết thúc vào ngày 6/11, sau đó, Đoàn đánh giá sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá sơ bộ về từng chương trình đào tạo.

Năm 1995, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á ra đời (ASEAN University Network – AUN). Đến năm 2000, các thành viên ban đầu của AUN cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn nhằm đẩy mạnh xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng để sử dụng như một công cụ duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học thành viên AUN; xây dựng những chuẩn mực chất lượng chung cho các trường đại học thành viên AUN; thúc đẩy công nhận chuẩn chất lượng giữa các trường đại học thànhviên AUN.Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường đại học trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng); 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch; 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng; 4 = có tài liệu và minh chứng; 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét; 6 = chất lượng tốt; 7 = xuất sắc. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 50 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN-QA.

Theo http://hus.vnu.edu.vn.

Bài viết liên quan